Nam sinh tốt nghiệp Bách khoa với điểm tuyệt đối

18 tháng 9, 2024 bởi
Nam sinh tốt nghiệp Bách khoa với điểm tuyệt đối
YourCompany, Mitchell Admin

Trước khi tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội với điểm tuyệt đối, Trần Trung Hiếu từng chỉ đạt 5,5 điểm môn Giải tích, trải qua nhiều căng thẳng, có lúc khóc trên bàn học.

Hiếu, 22 tuổi, ở Hà Nội, sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, trường Điện - Điện tử, là một trong hai người đầu tiên của Bách khoa đạt điểm tổng kết "hoàn hảo" - 4/4.

"Mình rất phấn khích. Đây là kỷ niệm đẹp, minh chứng cho sự nỗ lực trong suốt 4 năm đại học", Hiếu nói.

Cuối tháng 9, Hiếu sẽ được vinh danh trong lễ tốt nghiệp của trường. Nhưng nam sinh không thể dự trực tiếp do đã du học Pháp với học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ - tiến sĩ tại Viện Bách khoa Paris. Ngôi trường hiện ở vị trí 46 thế giới theo bảng xếp hạng đại học năm 2025 của QS.


Trần Trung Hiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiếu là cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2020, Hiếu đỗ Bách khoa theo diện xét tuyển tài năng nhờ loạt thành tích ở phổ thông, trong đó có giải ba thi học sinh giỏi Toán của trường, giải nhì cuộc thi tháng Đường lên đỉnh Olympia.

Trúng tuyển ngành học mà mình đã cân nhắc, tìm hiểu kỹ, lại đỗ cao vào lớp tài năng, Hiếu nghĩ việc học sẽ suôn sẻ. Dù vậy, kỳ đầu tiên học ba môn Giải tích, Đại số và Triết với 11 tín chỉ khiến Hiếu thấy ngợp.

"Mình học chuyên Toán, phần Giải tích cũng được tiếp xúc từ trước nên có phần chủ quan, trong khi thầy cô dạy cả một chương trong một buổi", Hiếu nói. "Kết quả bài kiểm tra giữa kỳ môn Giải tích bị 5,5 điểm. Nó khiến mình rất buồn vì lâu rồi mới nhận điểm số như vậy".

Tình huống này khá giống với ngày nam sinh vào lớp 10. Hiếu kể từng học tại trường THCS-THPT Hai Bà Trưng, Phúc Yên, Vĩnh Phúc, với kết quả xuất sắc. Nhưng khi mới vào chuyên Sư phạm, Hiếu không hiểu thầy cô giảng gì. Dần dần, với sự hỗ trợ của giảng viên, cùng động lực không để bản thân đuối hơn các bạn, Hiếu đã vượt lên.

Hiếu nghĩ cần phải giữ động lực đó. Nam sinh bắt đầu thay đổi cả thái độ và phương pháp học tập. Thay vì chỉ học trên lớp, Hiếu dành thêm nhiều thời gian tự học ở nhà. Mục tiêu là phải hiểu rõ bản chất mọi vấn đề.

Dạy Hiếu môn Trường điện từ hồi năm thứ hai, TS Hoàng Phương Chi ấn tượng với sự quyết tâm của Hiếu.

"Hiếu rất cao nhưng lại ngồi bàn đầu, ghi chép bài vô cùng cẩn thận và không nghỉ bất kỳ buổi nào. Em không phải tuýp sinh viên quá sôi nổi trong lớp mà luôn điềm đạm, chỉn chu", cô Chi nói.

Sự thay đổi giúp Hiếu giành điểm giỏi, xuất sắc ở mọi bài thi. Như với môn của cô Chi, Hiếu đạt 9,5 điểm kiểm tra giữa kỳ - cao nhất lớp.

Nhưng đổi lại, nam sinh cũng đã trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng, nhất là khi ôn thi cuối kỳ các môn, trong khi còn tham gia các hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học.


Như ở môn Cấu trúc dữ liệu giải thuật, do quên lịch nộp bài cuối kỳ, Hiếu chỉ có 8 tiếng để làm.

"Chưa bao giờ mình thức nguyên đêm để làm bài như lần đó, thậm chí khóc trên bàn học vì lo sợ bị trượt môn", Hiếu kể. Chàng trai cũng không thể quên những lần phải thi hai môn một ngày hay phải ngồi ôn thi khi du lịch cùng gia đình. Nhờ vượt qua áp lực và nguyên tắc ưu tiên việc học hàng đầu, Hiếu vẫn đạt kết quả tốt. Nam sinh đã có một bài báo khoa học đăng trong hội nghị quốc tế Điều khiển, Tự động hóa và Khoa học thông tin (ICCAIS).


trong Tin tức
Bài viết mới nhất
Đoạn mã động của bạn sẽ được hiển thị ở đây... Thông báo này được hiển thị vì bạn không cung cấp cả bộ lọc và mẫu để sử dụng.